Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 18 tuổi vào xưởng sản xuất nội thất ECO+
Trong trường hợp bất khả kháng khi có sự hiện diện của người dưới 18 tuổi tại xưởng ECO+ vui lòng thực hiện theo đúng nguyên tắc bắt buộc.
Tóm tắt nguyên tắc bắt buộc bảo vệ trẻ em tại xưởng sản xuất:
- Trẻ em khi vào xưởng ECO+ phải có sự giám sát, theo dõi của người trưởng thành hoặc chuyên gia sản xuất.
- Xưởng ECO+ phải trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, bộ dụng cụ sơ cứu y tế và hệ thống camera giám sát.
- Người giám sát có trách nhiệm phổ biến kỹ cho trẻ em về các nguyên tắc an toàn tại xưởng.
- Trẻ em phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ khi cần thiết và mặc quần áo phù hợp, gọn gàng.
- Người lớn cần phân rõ vùng an toàn và vùng không an toàn cho trẻ em, và không cho phép trẻ em đi vào vùng không an toàn
- Trẻ em không được phép chạy nhảy, đùa nghịch, xô đẩy hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.
- Trẻ em không được tự ý chạm vào máy móc, hóa chất, dụng cụ và nguyên vật liệu có trong xưởng.
- Trong trường hợp trẻ em gặp chấn thương, cần sơ cứu và theo dõi tình hình của trẻ em. Nếu nghiêm trọng, phải gọi cấp cứu 115 và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
CHI TIẾT NGUYÊN TẮC BẢO VỆ TRẺ EM TRONG XƯỞNG SẢN XUẤT
Có sự giám sát, theo dõi của người trưởng thành, chuyên gia sản xuất (Bắt buộc)
Người giám sát phải đảm bảo trẻ em hiểu rõ và ghi nhớ các quy định an toàn trong xưởng ECO+.
Người giám sát phải luôn ở trong phạm vi 2 mét gần trẻ em để đảm bảo có thể can thiệp kịp thời nếu có sự cố, tuyệt đối không để trẻ em một mình.
Trẻ em phải theo sát người hướng dẫn, không được tự ý đi xa hoặc rời khỏi khu vực an toàn.
Trẻ em phải lập tức thông báo cho người giám sát khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra, hoặc khi phát hiện điều gì nguy hiểm.
Hướng dẫn, phổ biến các nguyên tắc an toàn tại xưởng ECO+
Các nguyên tắc an toàn tại xưởng ECO+
Quy tắc chung về an toàn
Giữ vệ sinh khu vực làm việc sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn:
- Dọn dẹp rác và vật dụng phế thải như mảnh nhựa thừa, mảnh vụn nhựa, bao bì cũ, dụng cụ và thiết bị hỏng,… thường xuyên.
- Sắp xếp gọn gàng các vật dụng, máy móc, dụng cụ: Máy cưa, máy khoan, máy cắt CNC, đinh vít,…
- Thường xuyên vệ sinh máy móc, dụng cụ sau khi sử dụng.
Cần bảo quản và bảo dưỡng định kỳ máy móc, dụng cụ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sử dụng hóa chất an toàn, tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động khi tiếp xúc với hóa chất.
Không sử dụng hóa chất hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bị biến chất.
Máy móc, dụng cụ và hoá chất không được mang ra ngoài khu vực làm việc.
Không sử dụng thiết bị điện khi ở gần nguồn nước hoặc khu vực dễ cháy nổ.
Cắt nguồn điện khi không sử dụng máy móc, thiết bị điện.
Trang bị phòng cháy chữa cháy
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà xưởng phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy sau:
- Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an;
- Có lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình của cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và tổ chức sẵn sàng để chữa cháy đáp ứng theo yêu cầu chữa cháy tại chỗ;
- Có phương án về chữa cháy được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền;
- Hệ thống điện, chống tĩnh điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh nhiệt, sinh lửa, việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an;
- Có hệ thống giao thông, thông tin liên lạc phục vụ cho chữa cháy, hệ thống cấp nước, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo về sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, khói, thoát nạn, các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người đảm bảo số lượng và chất lượng, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an.
Theo tiểu mục 5.1 mục 5 Tiêu chuẩn TCVN 3890:2023, bình chữa cháy phải luôn sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức và được bố trí tại:
- Nơi mà những người theo đường thoát nạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng;
- Phù hợp nhất, gần lối ra vào phòng, cầu thang, hành lang và lối đi;
- Ở các vị trí tương tự trên mỗi tầng, nơi các tầng có cấu trúc giống nhau.
Không đặt các bình chữa cháy ở các khu vực, vị trí sau:
- Khi đám cháy tiềm ẩn có thể ngăn cản việc tiếp cận chúng;
- Gần các thiết bị sinh nhiệt mà có thể làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả của bình chữa cháy;
- Ở những vị trí khuất sau cửa ra vào, trong tủ không quan sát được bình chữa cháy hoặc hốc sâu;
- Nơi chúng có thể gây cản trở lối thoát nạn;
- Ở các vị trí trong phòng hoặc hành lang cách xa lối ra trừ trường hợp cần thiết đối với nguy hiểm cháy;
- Nơi chúng có thể bị hỏng do các hoạt động thường ngày.
Trang bị y tế
Theo quy định về sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc tại Điều 6 Thông tư 19/2016/TT-BYT, các túi sơ cứu phải được đặt tại khu vực làm việc của người lao động, tại nơi dễ thấy, dễ lấy, có ký hiệu chữ thập.
Theo quy định về sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc tại Điều 7 Thông tư 19/2016/TT-BYT, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau:
- Dưới 100 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu;
- Cứ mỗi 100 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
Theo phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BYT về quy định túi sơ cứu tại nơi làm việc:
- Số lượng túi sơ cứu trang bị phù hợp với số lượng người lao động;
- Đối với mỗi mặt bằng hoặc tầng nhà làm việc hoặc bộ phận làm việc cơ động phải bố trí tối thiểu 01 túi sơ cứu phù hợp;
- Các túi sơ cứu tại nơi làm việc phải có đủ số lượng trang bị dụng cụ tối thiểu cần thiết để sơ cứu;
- Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo đầy đủ số lượng và nội dung túi sơ cứu theo quy định.
Về quy định số lượng túi tại nơi làm việc:
- Nếu có từ 25 người lao động trở xuống, phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại A;
- Nếu có từ 26 đến 50 người lao động, phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại B;
- Nếu có từ 51 đến 150, phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại C.
Xưởng ECO+ phải trang bị ít nhất một bộ dụng cụ sơ cứu y tế, bao gồm các loại thuốc và vật dụng y tế cơ bản trong trường hợp tai nạn, chấn thương:
- Bộ dụng cụ sơ cứu y tế cần bao gồm những vật dụng sau: băng dính cuộn, băng tam giác, băng thun, gạc thấm nước, bông hút nước, garo cao su, kéo cắt băng, panh không mấu, găng tay khám bệnh, mặt nạ phòng độc, nước muối sinh lý, dung dịch sát trùng, kim băng an toàn, phác đồ sơ cứu, kính bảo vệ mắt, phiếu ghi danh mục thiết bị có trong túi, nẹp cổ, nẹp cánh tay, nẹp cẳng tay, nẹp đùi, nẹp cẳng chân.
Hệ thống giám sát
Lắp đặt hệ thống camera an ninh ở những khu vực quan trọng trong xưởng ECO+:
- Khu vực cổng chính, cổng phụ ra vào của nhà xưởng;
- Khu vực bên trong nhà xưởng nơi diễn ra các hoạt động sản xuất chính, khu vực thi công, có máy cắt,…;
- Khu vực lưu trữ nguyên, vật liệu.
Hệ thống camera phải có khả năng ghi hình, lưu trữ hình ảnh trong thời gian nhất định.
Hình ảnh từ camera phải được sử dụng để theo dõi, giám sát hoạt động của người lao động, đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn.
Phổ biến nguyên tắc an toàn cho trẻ em
Nâng cao nhận thức về an toàn
Người giám sát có trách nhiệm phổ biến kỹ lưỡng cho trẻ em về các nguyên tắc an toàn tại xưởng ECO+.
Việc phổ biến cần được thực hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ em.
Nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của máy móc, dụng cụ, hóa chất và các yếu tố tiềm ẩn khác trong xưởng đối với trẻ em.
Giải thích rõ ràng hậu quả của việc vi phạm các quy định an toàn để trẻ em ý thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ nội quy.
Các nhà xưởng ECO+ cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chi tiết cho người lao động và trẻ em để nâng cao nhận thức về an toàn.
Hướng dẫn sử dụng dụng cụ phòng cháy chữa cháy
Người lao động và trẻ em phải được hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy hiệu quả, bao gồm:
- Cách nhận biết các loại dụng cụ phòng cháy chữa cháy khác nhau.
- Cách sử dụng bình chữa cháy xách tay đúng cách.
- Cách sử dụng các thiết bị báo cháy, báo khói.
- Cách thoát hiểm an toàn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Cụ thể, trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, trẻ em cần làm theo quy trình sau:
- Bình tĩnh hô hoán cho mọi người biết.
- Báo cho người lớn hoặc gọi cứu hỏa 114 ngay khi phát hiện có cháy.
- Thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt, không được tìm chỗ trốn hay nán lại để thu gom mang theo đồ dùng.
- Nên sử dụng các lối thoát mà mình tìm thấy như ban công, hành lang thoát hiểm… nơi mà trẻ thường ít khi sử dụng.
- Tuyệt đối không đụng chạm vào bất cứ vật dụng gì trong quá trình di chuyển. Nếu cần thiết, phải kiểm tra trước xem vật dụng có quá nóng không.
- Di chuyển thấp hơn tầng khói để đảm bảo có đủ không khí hít thở bằng cách cúi thấp người hoặc bò trên đất, có thể lăn trên đất để tăng nhanh tốc độ di chuyển khi cần thiết.
- Dùng khăn ướt, ẩm che kín miệng và mũi để giảm thiểu việc hít phải khói độc. Nếu không có khăn ẩm, phải dùng tay áo hoặc cổ áo.
- Nếu bị bắt lửa trên quần áo, trẻ cần nhanh chóng nằm ra sàn và lăn nhiều vòng qua lại để dập lửa hoặc làm ướt quần áo để hạn chế khả năng bắt lửa.
Việc hướng dẫn cần được thực hành thực tế để đảm bảo người lao động và trẻ em có thể sử dụng thành thạo các dụng cụ phòng cháy chữa cháy khi cần thiết.
Mang thiết bị bảo hộ và trang phục gọn gàng
Yêu cầu chung về trang bị bảo hộ
Trẻ em phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ (TBBH) phù hợp trong trường hợp cần thiết, bao gồm:
- Găng tay: Bảo vệ tay khỏi các nguy cơ như: trầy xước, cắt, đâm, tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Khẩu trang: Tránh hít phải bụi bẩn, khí độc hại, bụi gỗ, bụi nhựa, mạt nhựa,…
- Mũ bảo hộ: Bảo vệ đầu khỏi va đập, rơi vật nặng.
- Kính bảo hộ: Bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, bụi gỗ, bụi nhựa, mạt nhựa.
Người giám sát có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo trẻ em sử dụng TBBH phù hợp trước khi vào xưởng ECOPLAST.
Các nhà xưởng ECO+ luôn phải chuẩn bị đầy đủ TBBH cho người lao động và trẻ em.
Kiểm tra và thay thế thiết bị bảo hộ
Trước khi vào xưởng ECO+, người giám sát phải kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thiết bị bảo hộ để đảm bảo:
- Thiết bị bảo hộ còn nguyên vẹn, không bị rách, hỏng, hoặc biến dạng.
- Thiết bị bảo hộ có kích thước phù hợp với trẻ em.
- Thiết bị bảo hộ hoạt động tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Nếu thiết bị bảo hộ bị hỏng hoặc không phù hợp, người giám sát phải thay thế ngay lập tức.
Quy định về trang phục
Trẻ em không được mặc quần áo quá rộng, rườm rà, hoặc có dây, cúc áo dễ vướng vào máy móc.
Trẻ em tránh đeo các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai.
Tóc dài phải được buộc gọn gàng, hoặc sử dụng mũ bảo hộ có che tóc.
Ống tay áo phải được xắn lên gọn gàng để tránh va phải máy móc.
Trẻ em không được đeo khăn quàng, cà vạt, hoặc các loại đồ vật dài trên 20cm quanh cổ.
Trẻ em cần mang giày kín mũi, có đế chống trơn trượt để đảm bảo an toàn khi di chuyển trong xưởng.
Người giám sát phải kiểm tra kĩ trang phục của trẻ em, đảm bảo trẻ em mặc trang phục phù hợp với quy định trước khi vào xưởng.
Trong trường hợp trang phục của trẻ em không phù hợp với quy định, người giám sát không được phép cho trẻ em vào trong xưởng.
Phân định ranh giới an toàn
Khu vực an toàn
Khu vực an toàn bao gồm các khu vực không có nguy cơ gây chấn thương hoặc nguy hiểm và phải tuân theo các yêu cầu sau:
- Máy móc phải được đặt cách xa trẻ em ít nhất 3 mét và đảm bảo được ngắt điện khi không hoạt động.
- Hóa chất phải được lưu trữ cẩn thận trong kho sau khi sử dụng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn bảo quản nhiệt độ và độ ẩm, có biển cảnh báo rõ ràng và chỉ được phép tiếp cận bởi người lớn.
- Vật dụng sắc nhọn phải được đặt cách xa tầm tay trẻ em ít nhất 1 mét.
Nhà xưởng ECO+ cần:
- Sử dụng các biện pháp phân định ranh giới rõ ràng như: vạch sơn, biển báo, rào chắn,…
- Đặt biển báo an toàn tại các khu vực an toàn, ghi rõ các quy định cần tuân thủ.
- Hạn chế di chuyển vị trí của máy móc, hoá chất, dụng cụ.
- Cung cấp đầy đủ thông tin an toàn cho người lao động và trẻ em.
Khu vực không an toàn
Khu vực không an toàn bao gồm các khu vực có nguy cơ cao gây chấn thương hoặc nguy hiểm, chẳng hạn như:
- Khu vực có máy móc đang hoạt động: Máy cưa, Máy cắt CNC, máy khoan,…
- Khu vực có hóa chất.
- Khu vực có vật dụng sắc nhọn.
- Khu vực đang được thi công.
Trẻ em tuyệt đối không được đi vào khu vực không an toàn dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu phát hiện trẻ em vi phạm quy định, người lớn có trách nhiệm nhắc nhở và đưa trẻ em ra khỏi khu vực nguy hiểm ngay lập tức.
Giới hạn hành vi hoạt động trong xưởng ECO+
Trẻ em không được làm những điều sau, kể cả trong khu vực an toàn:
- Chạy nhảy, đùa nghịch, xô đẩy hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.
- Nói chuyện ồn ào, gây mất tập trung cho người làm việc.
- Tự ý chạm vào máy móc, dụng cụ hoặc nguyên vật liệu.
- Tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hoặc vật liệu nguy hiểm khác.
- Chạm vào ổ cắm điện, dây điện hoặc công tắc điện.
- Leo trèo lên máy móc, khu vật liệu nhựa, tủ đồ nội thất nhựa trong xưởng ECO+.
- Tự ý thay đổi vị trí của nguyên vật liệu hoặc các thiết bị trong xưởng.
Hướng dẫn xử lý tai nạn, chấn thương của trẻ em tại xưởng sản xuất ECO+
Các bước xử lý tai nạn, chấn thương nếu xảy ra:
Bước 1: Đảm bảo an toàn ngay lập tức
Dừng mọi hoạt động: Lập tức ngắt điện hoặc tắt nguồn các máy móc liên quan để tránh nguy cơ tiếp tục gây hại.
Cảnh báo xung quanh: Sử dụng biển báo hoặc kêu gọi sự chú ý để thông báo cho mọi người xung quanh về tình trạng nguy hiểm.
Bước 2: Kiểm tra tình trạng của trẻ
Đánh giá tình trạng:
- Ý thức: Gọi tên và hỏi xem trẻ có đáp lại hay không.
- Thở: Kiểm tra xem trẻ có thở đều hay không.
- Nhịp tim: Nếu có thể, kiểm tra mạch của trẻ ở cổ hoặc cổ tay.
Xác định mức độ chấn thương:
- Vết cắt: Kiểm tra kích thước, độ sâu và vị trí của vết thương.
- Bỏng: Xác định mức độ bỏng (bỏng độ 1, 2, hoặc 3) và diện tích bị ảnh hưởng.
- Gãy xương: Quan sát xem có dấu hiệu gãy xương như biến dạng, sưng tấy, hoặc trẻ kêu đau khi chạm vào.
Bước 3: Phân loại tai nạn
Tai nạn nhẹ:
- Vết cắt nhỏ, bỏng nhẹ, bầm tím.
- Trẻ vẫn tỉnh táo, không có dấu hiệu nghiêm trọng.
Tai nạn nghiêm trọng:
- Vết thương lớn, bỏng nặng, gãy xương, mất ý thức.
- Trẻ có dấu hiệu khó thở, chảy máu nhiều hoặc đau đớn nghiêm trọng.
Bước 4: Sơ cứu tại chỗ
Đối với tai nạn nhẹ:
- Rửa và băng bó vết thương: Sử dụng nước sạch để rửa và băng lại vết thương nhỏ.
- Chườm lạnh: Sử dụng túi đá hoặc khăn lạnh để giảm sưng.
- Theo dõi tình trạng: Quan sát tình trạng của trẻ trong một thời gian để đảm bảo không có biến chứng.
Đối với tai nạn nghiêm trọng:
- Gọi cấp cứu: Cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của trẻ và vị trí xưởng để nhân viên cấp cứu đến nhanh nhất.
- Cầm máu: Vết cắt lớn; Dùng băng ép hoặc vải sạch cầm máu, tránh chạm vào vết thương nhiều.
- Xử lý vết bỏng: Bỏng nặng (độ 2, 3); Tránh tiếp xúc trực tiếp, chỉ rửa dưới nước mát và bọc lại bằng vải sạch.
Bước 5: Gọi hỗ trợ y tế 115
Liên hệ ngay với người giám hộ: Thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ ngay lập tức, cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của trẻ.
Chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất:
- Sử dụng xe cứu thương: Nếu tai nạn nghiêm trọng, chờ xe cứu thương đến.
- Di chuyển cá nhân: Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng và cơ sở y tế gần, có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhưng cần đảm bảo an toàn.
——————————————
Rất mong thông tin về nguyên tắc an toàn trên có giá trị và giúp hỗ trợ các xưởng sản xuất ECOPLAST đảm bảo được an toàn và bảo vệ trẻ em.
Thông tin liên hệ:
Hotline: 096.330.2296
Tham Gia Cộng Đồng Tấm Nhựa Ecoplast: Tại link
Hướng dẫn thi công Youtube : Xem video
Facebook Đại Việt: Tại link